Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình phòng, chống mua bán người).
Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận và phân loại
Theo Quyết định, Chương trình phòng, chống mua bán người được lập ra nhằm thực hiện các mục tiêu, yêu cầu cụ thể sau đây:
1. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương và hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã hàng tháng có chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương. Thường xuyên cập nhật các hình thức, thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người trên các trang mạng và mạng xã hội có nhiều người theo dõi, truy cập tại Việt Nam.
2. Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố. 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố. 90% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết, xét xử.
3. Bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm. Xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ nạn nhân các cấp.
4. Chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất phù hợp với pháp luật khu vực, quốc tế và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người.
5. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Các điều ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương, các thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực hiện có hiệu quả, định kỳ sơ kết, tổng kết.
6. Dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người được xây dựng, kết nối giữa các bộ, ngành chức năng, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin, phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả và xây dựng chính sách về công tác phòng, chống mua bán người.
Ngăn chặn nạn mua bán người
Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tội phạm lợi dụng chính sách mở cửa và hội nhập, quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời vùng giáp biên để hoạt động, phạm tội. Hằng năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý khoảng 400 vụ án mua bán người. Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng.
Thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, hiện nay, các loại tội phạm bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em có chiều hướng tăng về đối tượng, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Về tội phạm mua bán người, trong sáu tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so cùng kỳ 2019). Đặc biệt, tội phạm mua bán người thường lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh khó khăn để lừa bán qua biên giới. Ngoài ra, thủ đoạn tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép bán dâm, bán cho đàn ông mua làm vợ, thậm chí bán nội tạng cũng rất phổ biến. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động tội phạm buôn bán người càng thêm phức tạp. Phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 70% nạn nhân mua bán người và họ cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch.
Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mua bán người thông qua việc tổ chức, triển khai, thực hiện nghiêm túc “Chương trình phòng, chống mua bán người”. Đồng thời, tích cực tham gia các cơ chế quốc tế về phòng, chống mua bán người như Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em, Công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em...