Luật Giáo dục Đại học 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019

Hiện nay, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

 
 
Một số nội dung cơ bản thay đổi 
 
1/ Trường Đại học đáp ứng đủ điều kiện được tự chủ mở ngành đào tạo (điểm mới)

Theo đó, các trường đại học đáp ứng đủ điều kiện sẽ được tự chủ mở ngành đào tạo (hiện hành chỉ có Đại học quốc gia, trường đại học đạt chuẩn quốc gia mới được tự chủ mở ngành đào tạo).
* Điều kiện để được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học bao gồm:
- Ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước, của từng lĩnh vực bảo đảm hội nhập quốc tế;
- Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu;
- Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu;
- Có chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 36 Luật giáo dục đại học 2012.
- Đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật giáo dục đại học 2012 (như đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học;  đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động…).

 * Cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm các Điều kiện theo quy định thì bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 05 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

* Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật này. Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.”.    

2/ Giảng viên đại học có trình độ tối thiểu là thạc sĩ

Nếu như trước đây quy định, thạc sĩ là trình độ chuẩn đối các giảng viên đại học, thì nay, Luật mới quy định Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.

3/ Đại học được tự chủ quyết định chính sách học phí, tuyển sinh

Điểm khác biệt lớn nhất của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Trong đó, Luật quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản…

Cơ sở giáo dục đại học tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí. Mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý thực tế phát sinh.

Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 

Xem chi tiết văn bản Tại đây