Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (9/10), Trường Đại học Đông Á phát động tháng hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (10/10-10-11) trong toàn thể CBVC và sinh viên, người học nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân tuân thủ, chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
1. Lịch sử Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày 09/11 được lấy là ngày Pháp luật Việt Nam bởi đây là ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam được thông qua (ngày 09/11/1946).
Đến nay, Việt Nam đã có 05 bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013. Tuy vậy, ý nghĩa của ngày “khai sinh” ra bản Hiến pháp đầu tiên vẫn rất được trân trọng. Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 09/11/1946 với 240/242 đại biểu tán thành. Sau gần 3 thập kỷ kể từ Bản yêu sách của dân An Nam (năm 1919) gửi hội nghị Versailles đến năm l946, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện. Hiến pháp 1946 ra đời đặt nền tảng cho Quốc gia đi vào xây dựng một thể chế chính trị dân chủ được thiết lập vững chắc, với đầy đủ các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, đoạn tuyệt với chế độ chính trị thực dân và quân chủ phong kiến. Hiến pháp đó như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đó là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà”. “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập…, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do…, phụ nữ Việt Nam được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.
Với ý nghĩa to lớn đó, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 09/11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 8 của Luật này cũng nêu rõ, ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
2. Trường Đại học Đông Á thực hiện tháng hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (10/10-10/11/2019)
Nhằm tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong xã hội và trong sự phát triển của quốc gia, Trường Đại học Đông Á phát động tháng hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (10/10-10/11/2019). Qua đó, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, hướng tới sự thấm sâu vào ý thức, hành vi của toàn thể CBVC, người lao động, sinh viên, học viên toàn Trường. Đồng thời, mỗi cá nhân là một tuyên truyền viên tích cực hướng dẫn, vận động những người thân, con cháu thực thi nghiêm túc, tự giác các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
CBVC Trường phải là những người mẫu mực đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật vì đây là đội ngũ trực tiếp hay gián tiếp tổ chức công tác đào tạo, giáo dục cho sinh viên, học viên– thế hệ tương lai của đất nước. Sinh viên, học viên Trường là đội ngũ trẻ có tri thức tiên phong cũng cần gương mẫu thực hiện.
Để pháp luật được thượng tôn, Nhà nước ta đã tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật cùng với các thiết chế giám sát cũng như chế tài xử lý để đảm nảo hiệu quả thực thi. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân cũng phải được nâng lên và tham gia vào việc giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ hoàn thiện khi Hiến pháp, pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi con người. Ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề về tư tưởng cho việc củng cố và phát triển nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.